Các mảng chính của Quản Lý Chuỗi Cung Ứng - SCM
Quản lí chuỗi cung ứng (Supply Chain Management – SCM) là quản lý tất cả hoạt động luân chuyển sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp, từ những khâu ban đầu như thu mua nguyên liệu thô cho đến khâu đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Tất cả các giai đoạn trong chuỗi cung ứng liên hệ rất chặt chẽ với nhau.
![supply-chain2-01](https://va-career-insider.s3.amazonaws.com/wp-content/uploads/2016/05/supply-chain2-01.png)
Mục tiêu cuối cùng của Quản Lý Chuỗi Cung Ứng là đưa đúng sản phẩm, đúng số lượng đến với đúng khách hàng vào đúng thời điểm và đúng địa điểm bằng cách hiệu quả nhất có thể, khách hàng ở đây có thể là người tiêu dùng cá nhân (mua cho bản thân sử dụng) hoặc doanh nghiệp (mua để tiếp tục bán lại cho doanh nghiệp khác).
Quản Lý Chuỗi Cung Ứng hiệu quả rất quan trọng với sự thành công của công ty cũng như sự hài lòng của người dùng. Gia tăng hiệu quả Quản Lý Chuỗi Cung Ứng có thể cắt giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ví dụ, nếu bạn tìm được nhà cung cấp rẻ hơn, chi phí nguyên liệu của bạn sẽ rẻ hơn. Nếu bạn giao hàng dự đoán đúng số lượng lon coca-cola cần thiết cho dịp Tết, bạn sẽ tránh được vấn đề tồn kho (chi phí cao) hay cháy hàng (lợi nhuận thấp). Tóm lại, Quản Lý Chuỗi Cung Ứng hiệu quả tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn của một doanh nghiệp về mặt giá cả và chi phí để cạnh tranh với đối thủ và tồn tại trên thị trường.
Thường có một sự nhầm lẫn rằng Quản lý Chuỗi cung ứng chỉ bao gồm nhà kho, xe tải hay pallet chất hàng và bạn phải làm việc cũng như sống trong nhà kho tối ngày, gọi chung là logistics. Tuy nhiên, Quản lý Chuỗi cung ứng là một lĩnh vực rất rộng, bạn có thể làm việc trong bất kì khâu nào từ thu mua nguyên vật liệu, quản lý lịch sản xuất, đến quản lý kho bãi, hay giao dịch cùng khách hàng. Nếu bạn thích tính toán con số, thương lượng với nhà cung ứng, hoạch định để giao hàng đúng tiến độ hay dự báo nguyên liệu trong kho, Quản Lý Chuỗi Cung Ứng chính là ngành dành cho bạn!
Trong Quản Lý Chuỗi Cung Ứng của bất kì ngành hàng nào, có rất nhiều hoạt động cụ thể khác nhau. Vậy để đơn giản hoá thì ta có thể chia nhỏ chuỗi cung ứng thành 3 phần: Thu mua (Procurement), vận tải (Logistics) và quản lý nguyên vật liệu (Materials Management).
Các mảng chính của quản lý chuỗi cung ứng
Thu mua (Procurement) là mua những sản phẩm và dịch vụ vụ cần thiết trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như, bạn mua 2000 mét vải để may được 2000 cái áo thun để cung cấp cho nhà phân phối hằng tháng. Thu mua cũng bao gồm quản lý, thương lượng giá cả và xây dựng quan hệ với các nhà cung ứng.
Phần thứ hai, Vận chuyển (Logistics) là sự phân phối và bảo quản hàng hoá cũng như nhân lực để hỗ trợ chuỗi cung ứng. Một ví dụ khác, bạn thuê 10 nhân công để lái 10 xe tải để vận chuyển số áo đến 40 địa điểm khác nhau. Vận chuyển bao gồm hai mảng chính: Inbound Logistic (Vận chuyển nguyên vật liệu đến nhà máy để sản xuất) và Outbound Logistics (Vận chuyển thành phẩm đến khách hàng)
Phần cuối cùng, Quản lý nguyên vật liệu (Materials Management) là kiểm soát toàn bộ sự di chuyển của các sản phẩm trong chuỗi cung ứng, như là giao hàng hay lưu giữ chúng trong kho bãi. Làm tốt việc tính toán, điều phối nguyên vật liệu sẽ giúp chuỗi cung ứng đạt được sự cân bằng và ổn định, đương đầu tốt hơn với những thay đổi từ môi trường bên ngoài.
Các bạn có thể tham khảo thêm những video giới thiệu về chuỗi cung ứng của trường Arizona State University (US). Những video này không những cung cấp định nghĩa dễ hiểu về chuỗi cung ứng mà còn giới thiệu về các xu hướng và ứng dụng của chuỗi cung ứng trên thế giới hiện nay.
(Source: trích từ link này)
Comments
Post a Comment